Tội phạm trẻ em, nỗi đau người lớn (Bài 2): Vì sao cái xấu trỗi dậy trong những tâm hồn trẻ thơ?

VHO- Trẻ vị thành niên phạm tội, dù được hưởng chính sách khoan hồng, nhưng vẫn đánh mất đi tương lai của chính mình và là nỗi đau khó có thể nguôi ngoai đối với gia đình, người thân; ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự địa phương. Bởi vậy cần phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn cái xấu trỗi dậy trong tâm hồn những đứa trẻ.

Tội phạm trẻ em, nỗi đau người lớn (Bài 2): Vì sao cái xấu trỗi dậy trong những tâm hồn trẻ thơ? - Anh 1

 Hai nhóm thanh thiếu niên (từ 14-18 tuổi) tấn công nhau bằng hung khí, vừa bị Công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) triệu tập

 Khi cái xấu bị “phơi nhiễm”

Có muôn vàn lý do để trẻ vị thành niên phạm tội, mỗi vụ việc là một hoàn cảnh, nguyên nhân, mức độ khác nhau. Song, mẫu số chung thường thấy đó là những đứa trẻ thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động, lôi kéo, bị ảnh hưởng tiêu cực từ lối sống thực dụng, đua đòi, ăn chơi, lười lao động...

Dưới góc độ tâm lý học tuổi vị thành niên, chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền phân tích, giữa những người khác nhau cùng trải qua một hoàn cảnh tương đồng, hành vi của họ sẽ khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ trong cuộc đời họ. Quá trình hình thành và trưởng thành của đứa trẻ trải qua nhiều giai đoạn, và ở mỗi giai đoạn lại có các yếu tố nguy cơ đặc thù, có thể do di truyền từ tính cách của cha mẹ hoặc sự bất ổn tâm lý của người mẹ khi mang thai. Những đứa trẻ có tuổi thơ thiếu thốn sự chăm sóc về vật chất hoặc tinh thần; cha mẹ chưa dành đủ tình yêu thương, che chở, bảo vệ, thiếu sự chia sẻ với bạn bè sẽ dẫn đến các biểu hiện hành vi hung tính nhiều hơn…

Đặc biệt, tuổi vị thành niên là độ tuổi có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý. Các em rất nhạy cảm với những gì diễn ra xung quanh. Bố mẹ không hạnh phúc, phương pháp dạy dỗ của gia đình chưa phù hợp, trẻ bị đánh, bị phân biệt đối xử, giáo viên lạnh lùng, khó tính, hay la mắng học sinh… có thể khiến đứa trẻ trở nên bất mãn, gia tăng các hành vi chống đối, tiêu cực. Đây cũng là độ tuổi hay xảy ra tình trạng tẩy chay, kỳ thị, các vấn đề về bạo lực học đường. Ở giai đoạn này, hoạt động bạn bè là chủ đạo, vì vậy, bạo lực học đường sẽ khiến các em bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, dễ rơi vào trầm cảm, một số em hình thành hành vi chống đối, trả thù. Khi cảm xúc bị tổn thương, nhu cầu được tôn trọng, ghi nhận, được an toàn bị ảnh hưởng, sẽ xuất hiện các hành vi lệch chuẩn được coi là “để bảo vệ” các em trước những tấn công từ môi trường xung quanh.

Sự phát triển về tính dục ở tuổi dậy thì cũng tác động rất lớn đến thể chất và tâm lý của trẻ. Những rung động đầu đời, trải nghiệm cảm giác chinh phục, sự thất bại trong tình yêu… là nguyên nhân khiến các em rơi vào trạng thái chông chênh. Nếu nhà trường, gia đình không kịp nhận ra và hỗ trợ các em đúng mức sẽ khiến các hành vi nguy hiểm xuất hiện và ngày càng gia tăng về tần suất, mức độ nguy hiểm. Khi những hành vi này đã xảy ra, đồng thời với việc chứng kiến các hành vi tiêu cực của các bạn khác trong cộng đồng, dần dần các em sẽ bị “phơi nhiễm” với cái xấu, ngưỡng cảm giác tội lỗi sẽ thay đổi. Thay vì cảm thấy có lỗi, lo sợ, hoảng loạn, hối cải… thì các em sẽ “bình thường hóa” hành vi lệch chuẩn. Đó là nguyên nhân gây ra các vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua như trường hợp Hồ Hữu T ở An Giang, dù chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong lúc chơi bi da, nhưng T đã sẵn sàng tước đi mạng sống của người khác; hoặc vụ án của P.M.Q vừa xảy ra tại Tiền Giang đã cướp đi sinh mạng của hai người và làm tổn hại nghiêm trọng sức khoẻ của một người khác và đều là ruột thịt…

Tội phạm trẻ em, nỗi đau người lớn (Bài 2): Vì sao cái xấu trỗi dậy trong những tâm hồn trẻ thơ? - Anh 2

 Bạo lực học đường sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, dễ rơi vào trầm cảm, một số em hình thành hành vi chống đối, trả thù (ảnh cắt từ clip trên mạng Internet)

Cái xấu “dẫn lối”

Trở lại những vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây, TS Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học nhận định, nguyên nhân trực tiếp là những mâu thuẫn trong đời sống chung bị dồn nén, nhưng nguyên nhân sâu xa là sự sa sút về đạo đức, lối sống.

Xem xét vụ án đầu độc bà nội và bố bằng bả chó xảy ra ở Tiền Giang, dưới góc độ tâm lý học hành vi, TS Đào Trung Hiếu nhận định, động cơ gây án của kẻ thủ ác P.M.Q xuất phát từ những ức chế, bức xúc với việc người bố thường xuyên rượu chè, không chịu khó làm ăn khiến gia đình ly tán; bản thân Q cũng phải lăn lộn kiếm sống. Ở tuổi 14, Q hoàn toàn có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, nhưng những mâu thuẫn bị dồn nén lâu ngày đã thôi thúc Q “ra tay” với chính bố đẻ của mình.

Nguyên nhân trực tiếp khiến những đứa trẻ quyết định sát hại người thân của mình có thể xuất phát từ mong muốn giải tỏa các bức xúc, ức chế tâm lý tại thời điểm đó, hoặc những ức chế đã tích tụ lâu ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa, thủ phạm giấu mặt lại chính là sự sa sút về đạo đức lối sống. Điều này cho thấy trong nhân cách của đối tượng đã chứa đựng những đặc điểm tiêu cực. Đó có thể là sự hỗn hào, vô ơn, coi thường các giá trị chuẩn mực đạo đức, hoặc không được giáo dục để biết đến các giá trị này. Bên cạnh đó là thói quen sống phóng túng, ích kỷ, hưởng thụ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, thói quen đòi hỏi vô lối… Với một nhân cách đã chứa đựng sẵn những phẩm chất lệch lạc, khi gặp phải các tình huống không như ý, dễ làm các đối tượng cảm thấy bị tổn thương, kích động, biến thành cơn giận dữ bên trong và nhu cầu giải tỏa bức xúc bằng bạo lực, gây hại cho đối tượng được cho là nguyên nhân dẫn đến ức chế của mình mà không suy nghĩ đến hậu quả hành vi.

TS Đào Trung Hiếu cũng cho rằng, những lệch lạc, tiêu cực trong nhân cách đối tượng không phải tự nhiên mà có, mà đó là kết quả của quá trình “xã hội hóa cá nhân”, nghĩa là các tác động bất lợi từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội trong sự tương tác với phẩm chất mang tính cá nhân của đối tượng đã hình thành nên những sai lệch trong tâm lý, tính cách. Hiện nay, giới trẻ đang bị “bủa vây” bởi các yếu tố nguy cơ trong môi trường sống, đặc biệt là tác động tiêu cực từ trò chơi game, phim ảnh bạo lực, phản văn hóa đầy rẫy trên không gian mạng. Điều này tác động sâu sắc đến định hướng giá trị thẩm mỹ, phong cách ứng xử, và trong nhiều trường hợp, những câu chuyện bạo lực mà người trẻ tiếp cận trên phim ảnh, clip trên mạng đã trở thành khuôn mẫu ứng xử, hội chứng bắt chước, làm theo các nhân vật “yêng hùng”, giang hồ mạng… là có thật.

Bên cạnh đó, môi trường gia đình cũng có quá nhiều vấn đề tác động đến người trẻ. Trước hết do áp lực cuộc sống, bươn chải mưu sinh nên nhiều gia đình bố mẹ không có thời gian quan tâm đến con cái; đời sống xã hội với nhiều cám dỗ, cuốn các thành viên chạy theo danh lợi phù phiếm, làm mọi việc vì tiền, khiến sợi dây liên kết giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo. Trong hoàn cảnh ấy, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng sự bảo ban, giám sát, quan tâm, uốn nắn kịp thời của người lớn, nếu bị lôi cuốn vào các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội, bị rủ rê lôi kéo trong khi chưa đủ khôn lớn để phân định đúng sai, thì tất yếu sự trượt dốc, thoái hoá về nhân cách là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, những đứa trẻ trong hoàn cảnh “lời ru chia đôi”, phải theo mẹ hoặc bố về ở với người mới, rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm, hoặc chính chúng do buồn chán, thất vọng, hụt hẫng sẽ bị dẫn dụ vào các việc làm vi phạm pháp luật.

 Người chưa thành niên là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, nhân cách, tâm sinh lý, trình độ, nhận thức; kinh nghiệm sống còn hạn chế, dễ bị kích động, lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm. Trong các vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra, đối tượng phạm tội thường là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn hoặc bỏ mặc con cái, thiếu sự dạy bảo, thiếu tình thương yêu của gia đình, thiếu định hướng tương lai và có lối sống lệch lạc, ham chơi, đua đòi, thậm chí nghiện game, nghiện chất kích thích... Một trong những nguyên nhân nữa là do các em sớm bị tiêm nhiễm, bị tác động bởi những phim ảnh, mạng xã hội, các trò chơi online có tính chất bạo lực...

HOÀNG HƯƠNG - QUỲNH HOA

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc